Tiến Độ 11 Tuyến Đường Vành Đai Tại Hà Nội Và TP.HCM Hiện Nay

  • Phạm Nam

Các tuyến đường vành đai nắm giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Bài viết sau sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn đường vành đai là gì và cập nhật tiến độ 11 tuyến đường vành đai tại Hà Nội, TP.HCM hiện nay.

1. Các Đường Vành Đai Hà Nội

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai khép kín. Trong đó có 5 tuyến chính gồm 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5). Các tuyến đường vành đai này không chỉ là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm áp lực cho các đường giao thông ở nội đô mà còn góp phần thúc đẩy liên kết các vùng cũng như phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, đến hiện tại, chưa có tuyến vành đai nào hoàn thành. Cụ thể, trong tổng số 285,46km của 7 tuyến đường vành đai, đến nay, thành phố mới hoàn thành 132,26km (đạt 46,33%); đang đầu tư xây dựng 20,51km (tương ứng 7,18%); đang triển khai chuẩn bị đầu tư 83,26km (tương ứng 29,16%); còn lại 49,43km (tương ứng 17,33%) chưa được nghiên cứu để hình thành dự án.

Quy-hoach-duong-vanh-dai-tai-thu-do-Ha-Noi

Quy hoạch đường vành đai tại thủ đô Hà Nội

Vành Đai 1

Tuyến Vành đai 1 có tổng chiều dài là 7,2km, đi qua các tuyến đường: Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Kim Liên – Hoàng Cầu – Voi Phục – Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy – Bưởi). Đây là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm thủ đô.

Do tuyến Vành đai 1 đi qua các khu vực trung tâm của Hà Nội nên việc đền bù, giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Đến nay, chỉ còn đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến.

Đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục dài hơn 2,2 km, mặt cắt ngang 50 m. Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Tổng đầu tư dự án cho đoạn này là gần 7.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách phân bố cho các hạng mục là: 5.800 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và 636 tỷ đồng xây dựng đường. Dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục được phê duyệt từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng đến nay bị chậm tiến độ.

Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội, dự kiến đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục sẽ hoàn thành vào đầu năm 2025.

Xem thêm: Hướng Bàn Thờ Là Hướng Nhìn Ra Hay Tựa Lưng? 9 Kiêng Kỵ Khi Đặt Bàn Thờ

Vành Đai 2

Tuyến đường Vành đai 2 được khởi công năm 2005, tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài 43,6 km, chạy qua các điểm: Vĩnh Tuy – Minh Khai – Đại La – Ngã Tư Vọng – đường Trường Chinh – Ngã Tư Sở – đường Láng – Cầu Giấy – Bưởi – Nhật Tân – Vĩnh Ngọc – Đông Hội – cầu chui Gia Lâm – khu công nghiệp Hanel – Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên Vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.

Về tiến độ, đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy (6,4 km) thông xe vào tháng 1/2016; Đoạn Vành đai 2 trên cao kéo dài từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở (gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng bên dưới) khởi công từ năm 2018, thông xe tháng 1/2023.

Hiện Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy dài 4 km (trùng với đường Láng hiện nay) chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất thành phố xem xét giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội nghiên cứu phương án hoàn thiện, làm cơ sở triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

duong-vanh-dai-2

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao thông xe đầu năm 2023. 

Vành Đai 3

Đường Vành đai 3 dài 68km, được đầu tư đồng bộ cả đường trên cao và dưới thấp từ cầu Thanh Trì – Linh Đàm – Nguyễn Xiển – Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng – cầu Thăng Long (với tổng chiều dài 54km), trở thành trục chính giao thông đô thị của Hà Nội.

Tuyến đường giúp tạo kết nối các vùng trọng điểm thủ đô như từ nội thành tới sân bay Nội Bài, nội thành tới các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Sóc Sơn, Quang Minh,…

Hiện tuyến đường Vành đai 3 vẫn còn 14km, tương ứng với đoạn từ cầu Thăng Long đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên chưa có dự án đầu tư để khép kín toàn tuyến. Sở GTVT đề nghị UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai khép kín toàn tuyến.

duong-vanh-dai-3-ha-noi-scaled

Tuyến Vành đai 3 giúp các vùng trọng điểm được kết nối thuận tiện.

Vành Đai 2,5

Được xem là phụ trợ cho tuyến Vành đai 2 và 3, hoàn toàn trong nội đô, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây – Nguyễn Văn Huyên – Trung Kính – Đầm Hồng – Kim Đồng – Lĩnh Nam.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đường Vành đai 2,5 có chiều dài 19,41km, mặt cắt ngang rộng 40-50m. Tuyến được chia thành 13 đoạn, Trong đó:
4 đoạn đã đầu tư hình thành theo quy hoạch dài 9,59km.
5 đoạn tuyến đang triển khai đầu tư dài 5,97km gồm: Khu đô thị Ciputra – Nguyễn Hoàng Tôn – Ngoại giao đoàn (Nhà đầu tư khu đô thị Ciputra và Tây hồ Tây đầu tư); Đường 32 – Khu đô thị mới Dịch Vọng (quận cầu Giấy làm chủ đầu tư); Đầm Hồng – Quốc lộ 1A theo hình thức PPP loại hợp đồng BT.
4 đoạn chưa được đầu tư xây dựng dài 3,85km gồm: Đoạn 1, Khu đô thị mới Dịch Vọng – Dương Đình Nghệ, đoạn 2 Trung Kính – Trần Duy Hưng, đoạn 3 Nguỵ Như Kon Tum – Nguyễn Trãi – Đầm Hồng, đoạn 4 Hồ Vĩnh Hưng – Lĩnh Nam.

Vành Đai 3,5

Tuyến Vành đai 3,5 là tuyến phụ trợ nằm giữa Vành đai 3 và 4 của Hà Nội, bắt đầu từ đoạn nối vào cao tốc Pháp Vân (thuộc huyện Thanh Trì) – Phúc La (Hà Đông) – đi qua các quận, huyện gồm Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm – QL32 – cầu Thượng Cát.

Dự án có chiều dài 45,64 km, tổng mức đầu tư hơn 1.795 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 giai đoạn, tiến độ dự án vào thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 đạt 90%, giai đoạn 2 đạt 75% và giai đoạn 3 đạt 30%.
Giai đoạn 1 của dự án (từ Đại lộ Thăng Long đến cầu Hậu Ái) đã cơ bản hoàn thiện, mặt đường đã được thảm nhựa, cây xanh, điện chiếu sáng đã được lắp đặt.

Giai đoạn 2 (từ cầu Hậu Ái đến nút giao Quốc lộ 32) vẫn còn nhiều hạng mục ngổn ngang. Trên công trường, một số công nhân, máy móc được huy động để thi công các hạng mục như san ủi mặt bằng, lu nền, bó vỉa…
Giai đoạn 3 (dài 600m) mới khởi công hồi tháng 6/2023, việc thi công đang được nhà thầu triển khai.

Vanh-Dai-35

Đường Vành đai 3.5 đoạn qua huyện Hoài Đức. 

Vành Đai 4

Dự án Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, đi qua địa phận thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh; tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Điểm khởi đầu tại xã Thanh Xuân (Sóc Sơn) trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai và kết thúc tại Quế Võ (Bắc Ninh), cao tốc Nội Bài – Hạ Long.
Đường Vành đai 4 sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi về liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển giao thương, kinh tế, đồng thời thúc đẩy hình thành đô thị vệ tinh của Hà Nội để kéo giãn dân cư ra ngoại thành, giảm áp lực cho nội đô.

Ban-do-quy-hoach-duong-Vanh-dai-4-Ha-Noi

Bản đồ quy hoạch đường Vành đai 4 Hà Nội

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần (gồm 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, 3 dự án xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và một dự án đường cao tốc theo phương thức PPP).
Về tiến độ, 3 dự án thành phần đang tiếp tục hoàn thiện khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó đã hoàn thành xây dựng 1/35 khu tái định cư, đang triển khai thi công 16/36 khu.

Dự án thành phần 2.1 (với 4 gói thầu) thành phố Hà Nội đã lựa chọn nhà thầu thi công và tiến hành khởi công dự án ngày 25/6/2023. Trên công trường, nhiều máy móc, công nhân đang hối hả thi công các hạng mục cầu, nền.
Dự án thành phần 2.2 tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn nhà thầu thi công, khởi công dự án ngày 22/11/2023. Trên hiện trường đang triển khai thi công.

Dự án thành phần 2.3 tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt thiết kế, dự toán cả 3 gói thầu, có một gói thầu đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công vào ngày 18/12/2023; một gói thầu đang hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu; gói thầu còn lại đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp theo Luật Đấu thầu mới.
Dự án thành phần 3 (đường cao tốc) có chiều dài khoảng 112,8km (Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19,3km, Bắc Ninh 35,3km), tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng. Đến nay, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 6479/QĐ-UBND ngày 20/12/2023, hiện đang triển khai các bước tiếp theo, phấn đấu đến cuối quý III/2024 hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư.

Dự kiến, đoạn 13km phía Bắc sông Hồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024; đoạn 19km thuộc địa bàn huyện Hoài Đức đến giữa năm 2025 cũng sẽ xong đường song hành. Các nhà thầu thi công đoạn khác cũng phấn đấu tiến độ tương tự.

Vanh-Dai-4

Đường Vành đai 4 đoạn đi qua Mê Linh (Hà Nội). 

Xem thêm: Xem Ngày Đẹp Tháng 4/2024: Làm Nhà, Cưới Hỏi, Xuất Hành

Bình Dương Có Mấy Thành Phố? Những Lợi Thế Để Phát Triển Bất Động Sản Tại Bình Dương

Bình Dương Có Mấy Thành Phố? Những Lợi Thế Để Phát Triển Bất Động Sản Tại Bình Dương

Vành Đai 5

Đường Vành đai 5 có tổng chiều dài khoảng 331km, đi qua 36 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 85.561 tỉ đồng. Đường được thiết kế với 4-6 làn xe, nền đường rộng tối thiểu 22-33 m và có đường gom hai bên.
Cụ thể, đường Vành đai 5 đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện sau:
Tỉnh Vĩnh Phúc: TP Vĩnh Yên, Phúc Yên, Tam Dương, Yên Lạc, Bình Xuyên và Vĩnh Tường.
Tỉnh Thái Nguyên: TP Thái Nguyên, Sông Công, Đại Từ, Phú Bình và Phổ Yên.
Tỉnh Bắc Giang: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang và Tân Yên.
Tỉnh Hải Dương: TP Hải Dương, Chí Linh, Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách.
Tỉnh Thái Bình: Quỳnh Phụ và Hưng Hà.
Tỉnh Hà Nam: TP Phủ Lý, Duy Tiên, Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân.
Tỉnh Hòa Bình: Huyện Lương Sơn
Hà Nội: Sơn Tây, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa.

Trong đó, đoạn đường Vành đai 5 đi qua Hà Nội bắt đầu từ vị trí cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nhập vào đi trùng đường Hồ Chí Minh dài khoảng 21,5 km, giao với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, tuyến đi về phía Nam sang địa phận Hòa Bình, đến khu vực Chợ Bến rẽ theo hướng Đông vượt sông Đáy sang địa phận Hà Nam.
Đến nay, đoạn Vành đai 5 Hà Nội mới hình thành được 22km đoạn đi qua thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất.

duong-vanh-dai-5

Quy mô đường Vành đai 5 Hà Nội.

2. Các Đường Vành Đai TP.HCM

Các tuyến đường vành đai ở TP.HCM không chỉ giúp áp lực giao thông ở nội thành được giảm nhẹ mà còn tăng khả năng liên kết các vùng. Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ xây dựng 4 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài hơn 380 km.

Vành Đai 1

Chiều dài 26,4 km, khởi điểm tại đường Phạm Văn Đồng, qua thành phố Thủ Đức, quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Quận 8 và huyện Bình Chánh.
Đường Vành đai 1 hiện đã hình thành, giúp giảm tình trạng quá tải cho giao thông nội đô, đồng thời kích thích giãn dân ra khu vực vùng ven thành phố.

Vành Đai 2

Tuyến đường Vành đai 2 dài 34km, được thiết kế từ 6-10 làn xe, đi qua thành phố Thủ Đức, hai huyện (Hóc Môn và Bình Chánh), 5 quận (Bình Tân, 2, 7, 8 và 12). Được khởi công xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay toàn tuyến mới hoàn thành xong 50 km, còn 14 km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành.
Đoạn 1: dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là xa lộ Hà Nội), được đầu tư giai đoạn một với mức vốn khoảng 9.328 tỷ đồng.
Đoạn 2: dài 2,8 km, từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, tổng kinh phí 4.543 tỷ.
Đoạn 3: dài 2,7 km, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đang thi công dang dở.
Đoạn 4: dài 5,3 km nối quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh chưa được đầu tư.

Thành phố đặt mục tiêu tái khởi động đoạn 3 và cân đối vốn đầu tư ba đoạn còn lại để khép kín toàn tuyến vào năm 2026. Đường Vành đai 2 TP.HCM sau khi được khép kín không chỉ có vai trò đối với giao thông nội đô, mà còn giúp các tuyến giao thông quan trọng cũng như cảng biển được kết nối như: cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, xa lộ Hà Nội,…

vanh-dai-2-tphcm

Bản đồ đường Vành đai 2 TP.HCM.

Vanh-dai-2-doan-tu-duong-Pham-Van-Dong-den-nut-giao

Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dừng thi công từ lâu

Vành Đai 3

Tuyến đường Vành đai 3 kết nối liên tỉnh với tổng chiều dài lên tới 73,34 km, qua TP.HCM (47,51 km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km) và Long An (6,81 km). Dựa án có tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng.

Điểm khởi đầu của đường Vành đai 3 TP.HCM là vị trí giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành ở Nhơn Trạch – Đồng Nai và điểm cuối cũng giao với cao tốc này nhưng trên địa bàn Bến Lức – Long An.

Công trình đã khởi công vào tháng 6/2023, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ đạt tổng khối lượng thi công 40-50%. Dự kiến đến tháng 10/2025, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ hoàn thành phần cao tốc và thông xe toàn tuyến, đến năm 2026, hoàn thành toàn bộ.

Vành đai 3 sau khi khép kín sẽ tạo điều kiện liên kết các cao tốc TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; các tuyến quốc lộ 1, 22; hình thành mạng lưới giao thông liền mạch giữa TP.HCM với các tỉnh xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

vanh-dai-3

Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP Thủ Đức. Ảnh: tuoitre.vn

Vành Đai 4

Đường Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài hơn 200km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, được Chính phủ phê quyệt quy hoạch từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

  • Vành đai 4 qua tỉnh Đồng Nai dài 45,6km, tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỉ đồng.
  • Đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 47,45km, tổng vốn 18.993 tỉ đồng.
  • Đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18km, tổng vốn khoảng 8.100 tỉ đồng.
  • Vành đai 4 qua TP.HCM dài 17,3km, tổng mức đầu tư khoảng 14.502 tỉ đồng.
  • Đoạn qua tỉnh Long An dài 78,3km, tổng mức đầu tư khoảng 47.068 tỉ đồng.

Tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM sau khi hoàn thành sẽ giữ vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay. Đặc biệt, tuyến đường sẽ kết nối KĐT cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự kiến, đường Vành đai 4 TPHCM sẽ khởi công quý 3/2025, hoàn thành quý 1/2028.

Ban-do-quy-hoach-duong-Vanh-dai-4-Ha-Noi

Bản đồ đường Vành đai 4 TP.HCM. 

3. Tuyến Đường Vành Đai Là Gì?

Với câu hỏi tuyến đường vành đai là gì thì đây là dạng đường bao ở khu vực bên ngoài trung tâm nội đô của thành phố, có thể được thiết kế dạng xa lộ hay cao tốc đô thị. Những con đường này luôn có sự kết nối một cách thuận tiện với các đường tỉnh lộ hoặc quốc lộ.

Duong-vanh-dai-giup-giam-tai-cho-noi-do-ve-giao-thong

Đường vành đai giúp giảm tải cho nội đô về giao thông
Khu vực trung tâm, nội đô của các đô thị ở nước ta luôn rất đông đúc. Trong khi phần lớn các đô thị không được quy hoạch bài bản, khoa học từ đầu nên đường thường nhỏ hẹp. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho giao thông.
Chính vì vậy, mục đích hình thành của đường vành đai là tránh cho các phương tiện phải đi vào các con đường ở nội đô nhưng vẫn dễ dàng lưu chuyển và kết nối với các vùng, tỉnh thành khác.
Đường vành đai tiếng Anh là gì?
Nếu bạn đang quan tâm đường vành đai tiếng Anh là gì để sử dụng trong các văn bản nước ngoài thì trong tiếng Anh, đường vành đai được gọi với tên ring road.

4. Quy Chuẩn Đường Vành Đai Mới Nhất

Khi tìm hiểu đường vành đai là gì, bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của các tuyến đường này trong việc lưu chuyển, kết nối giao thông đô thị, đồng thời, tạo ra những không gian tăng trưởng mới cho khu vực và các địa phương lân cận.
Cụ thể, vai trò, quy chuẩn chung của loại đường này có thể kể đến như:
– Giúp cho sự lưu thông từ hướng này tới hướng khác của thành phố, từ thị trấn này tới thị trấn khác của một vùng đô thị, hay từ tỉnh này tới tỉnh khác trở nên nhanh chóng mà không làm đông đúc thêm hoặc gây ách tắc tới sự lưu chuyển của vùng nội đô.
– Tiêu chuẩn cũng như kỹ thuật xây dựng đường vành đai đòi hỏi khắt khe hơn, mức độ cao hơn để có thể chịu được hầu hết các loại xe trọng tải lớn di chuyển qua. Đồng thời để đảm bảo thời hạn sử dụng lâu dài, đảm bảo sự an toàn cho con người.
– Khổ đường đảm bảo rộng rãi với thiết kế nhiều làn xe, đồng thời, kết cấu mặt đường bền bỉ, vững chắc, phù hợp với tốc độ cao.
– Hai bên đường đảm bảo đầy đủ các yêu cầu, đầy đủ thiết bị, công trình phụ trợ như: hệ thống rào chắn, biển hiệu, cột mốc. Điều này vừa tạo sự thuận tiện, vừa tăng sự an toàn cho người, phương tiện giao thông.
Tùy từng trường hợp, với những tuyến đường cụ thể mà cần đáp ứng các tiêu chí riêng.

Quy-hoach-duong-vanh-dai-la-tai-san-lon-co-gia-tri.

Nhiều quốc gia coi các quy hoạch đường vành đai là tài sản lớn, có giá trị tới cả trăm năm
Hiện nay, với vai trò và tầm vóc của chúng, rất nhiều ý kiến cho rằng loại đường này cần được xây dựng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất để đạt được chất lượng và độ bền cao. Đây có thể xem là dạng bất động sản đặc biệt, có thể để lại cho đời con cháu và khả năng khai thác, sinh lời cao.

5. Vai Trò Của Các Tuyến Vành Đai Đối Với Thị Trường Bất Động Sản

Có thể nói, đối với giao thông, các tuyến vành đai bao quanh giống như một xương sống, tạo sự kết nối diện rộng về kinh tế vùng cho các quốc gia.
Không chỉ giảm áp lực tới giao thông nội đô, các tuyến đường này còn giúp cho việc hình thành hành lang đô thị, vùng công nghiệp lớn. Sự hình thành của các tuyến đường vành đai sẽ kéo hạ tầng phát triển theo, đồng thời là các trung tâm tài chính, kinh tế, giúp thu hút lượng lớn lao động, dân cư tới sinh sống.
Các điều kiện về giao thương, hạ tầng, chất lượng sống ở ngoại thành phát triển, trong khi lượng đất đai dự trữ trong nội đô ngày một cạn kiệt, giá cả lại cao, mật độ dân cư đông đúc, từ đó kéo theo xu hướng di cư ra các khu vực ngoại thành để sinh sống.
Đây chính là những điều kiện thuận lợi, tạo đà phát triển cho thị trường bất động sản. Và trên thực tế, với sự hình thành, khai thác của tuyến đường vành đai 1, 2, 3 ở cả Hà Nội và TP.HCM đã tạo ra sự đột phá, mở ra không gian phát triển đô thị, hình thành các khu dân cư mới, đẩy giá bất động sản tăng lên gấp nhiều lần, thu hút lượng lớn nhà đầu tư tới khai thác.

Cac-tuyen-vanh-dai-chinh-la-dong-luc-thuc-day-hinh-thanh-do-thi-moi.

Các tuyến vành đai chính là động lực thúc đẩy hình thành đô thị mới

Mặc dù vậy, quá trình đầu tư, giao dịch mua bán nhà đất vẫn có thể gặp phải rủi ro nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Và để hạn chế, người mua, nhà đầu tư cần lưu ý:

– Đánh giá tính hợp lý về giá cả: qua xem xét điều kiện hạ tầng và so sánh hiện tại với khoảng 1 – 2 năm về trước. Bởi vì trên thực tế, mỗi khi có một quy hoạch dự án được công bố, giá đất đai sẽ tăng vọt, thậm chí không ít người lợi dụng đẩy giá đất thành sốt ảo.
– Chú ý tới tính pháp lý để tránh bị rơi vào tình trạng tranh chấp sau này.
– Lập kế hoạch chi tiết và cụ thể cho hoạt động đầu tư để đảm bảo giá trị dài hạn cho bất động sản.

Với những thông tin được Batdongsan.com.vn chia sẻ, hi vọng bạn đọc đã nắm rõ đường vành đai là gì, đồng thời cập nhật được tiến độ các tuyến đường vành đai qua Hà Nội, TP.HCM đã, đang và sẽ được hình thành trong tương lai. Có thể thấy, các tuyến đường vành đai có vai trò lớn trong kết nối giao thương nội đô và khu vực, quận huyện lân cận, từ đó có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, xã hôi nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Việc nắm bắt nhanh nhạy các thông tin quy hoạch tương tự có thể giúp nhà đầu tư lựa chọn được vị trí và thời điểm “vàng” để xuống tiền, giúp gia tăng cơ hội sinh lời.

Xem thêm:
Bình Dương Dự Kiến Đón Hàng Triệu Lao Động, Tạo Đà Cho Thị Trường Bất Động Sản
Chung Cư Hà Nội Tiếp Tục Hút Mạnh Sóng Đầu Tư

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *