Quản lý hay Công nghệ giúp vận hành hiệu quả đường sắt đô thị
Việt Nam sắp đưa vào vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sau hàng chục năm xây dựng. Singapore được biết đến là quốc gia có hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả hàng đầu ở khu vực châu Á. Kinh nghiệm nào của Singapore có thể áp dụng tại Việt Nam.
Thông tin cuộc trao đổi với Giáo sư Lai Choo Malone-Lee – Chuyên gia quy hoạch đô thị, Giảng viên Đại học Quốc gia Singapore xung quanh nội dung này.
PV: Điều gì đã khiến Singapore xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, hiện đại như ngày hôm nay?
Giáo sư Lai Choo Malone-Lee: Điều đầu tiên là, chúng tôi phải xây dựng hệ thống giao thông công cộng trong rất nhiều năm, từ những năm 1970. Thời gian đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì mọi người chưa quen với hệ thống xe buýt nhưng qua thời gian, chúng tôi đã phát triển hệ thống giao thông công cộng ngày một tốt hơn.
Bởi vì hệ thống này chủ yếu phục vụ những người sống ở “khu dân cư mới”, khu trung tâm, tập trung tới hơn 80% dân cư. Và quan trọng là phải để cho người dân ở khu dân cư mới này nhận ra sự thuận tiện của việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng trong việc đi lại tới công sở, đi mua sắm, thăm bạn bè, người thân…
Vì thế, phải trải qua một khoảng thời gian nhất định để phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng.
Tôi thường dùng một thuật ngữ là: “A good catchment”, tức là một hệ thống phục vụ được thật nhiều người, đó là hệ thống giao thông công cộng có sự bảo trợ tốt. Thực tế, năng lực phục vụ của hệ thống tàu điện rất lớn, vì thế với danh nghĩa là sự đầu tư công, thì nó phải thực sự khả thi và chính phủ phải luôn hỗ trợ.
Ví dụ, chính phủ xây các đường nối từ ga tàu điện, ga xe buýt tới các địa điểm thường xuyên như trung tâm thương mại để người dân không bị ướt khi trời mưa hay quá nóng khi trời nắng. Tất cả những hành động này sẽ giúp hệ thống giao thông công cộng trở lên thực tế và khả thi, thân thiện với người dùng.
PV: Để các tuyến đường sắt đô thị vận hành hiệu quả, theo bà, Việt Nam cần phải lưu ý gì trong các yếu tố công nghệ, kĩ thuật hay quản lý, quản trị?
Giáo sư Lai Choo Malone-Lee: Nói về công nghệ và kĩ thuật xây dựng thì bây giờ rất sẵn có, chúng ta có thể học hỏi từ các quốc gia khác. Rất nhiều thành phố có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để chúng ta có thể học từ họ.
Tôi cho rằng công nghệ hay kĩ thuật xây dựng không phải là vấn đề khó khăn, mà chính sự quản lý và quản trị mới là yếu tố quan trọng. Do vậy, để có một hệ thống hoàn hảo, chúng ta cần có cơ chế và sự quản lý thật tốt, có sự hỗ trợ từ chính phủ, sự ưu tiên của các cơ quan liên quan.
Nói cách khác, chúng ta phải có sự đồng lòng từ phía chính phủ và người dân. Bởi vì nếu người dân không ủng hộ và sử dụng các phương tiện công cộng thì hệ thống không có ý nghĩa gì.
Và để làm được điều này, hệ thống tàu điện của chúng ta phải thật sự thu hút, phí đi tàu điện và các phương tiện công cộng phải ở mức phải chăng, phù hợp, các trạm dừng phải gần các khu dân cư và phải đảm bảo sao có thể khuyến khích người dân thay đổi thói quen đi lại trước đây (ví dụ sử dụng xe máy- một phương tiện không hề an toàn).
Tôi nghĩ rất nhiều trong số đó không phải là yếu tố kĩ thuật, nhưng nếu các nhà quản lý quyết tâm, có sự truyền thông, thông tin tới người dân, thông qua các chiến lược nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng… Tất cả nhưng điều này sẽ giúp ích rất nhiều.
PV: Hiện nay Việt Nam chưa làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt đô thị, vậy bà có khuyến nghị gì cho Việt Nam trong thời gian tới?
Giáo sư Lai Choo Malone-Lee: Thực sự là không điều gì là dễ dàng, đặc biệt là khi chúng ta phải đi “vay mượn” từ các quốc gia khác. Nhưng chúng ta có thể khuyến khích các kĩ sư trẻ học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế.
Ban đầu thì chúng ta phải phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài, hay các nhà đầu tư, các nhà tài trợ nước ngoài, nhưng sau một thời gian, với những công trình tiếp theo, hạng mục tiếp theo, chúng ta tự có thể sử dụng chính các kĩ sư của mình mà không cần phụ thuộc.
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, từ kinh nghiệm giảng dạy trong các trường ĐH, thì rất nhiều sinh viên Việt Nam rất thông minh, tiếp thu nhanh, lại chăm chỉ và có khát vọng. Những người trẻ như vậy cần có cơ hội để họ học tập từ các chuyên gia nước ngoài ở thời điểm ban đầu, và với các công trình sau đó, họ có thể tự tin đảm nhiệm.
Với những quốc gia còn trẻ, thì không có lựa chọn nào khác, phải phụ thuộc vào nước khác. Singapore cũng thế. Ban đầu, với hệ thông đường ray đầu tiên, chúng tôi phải cần rất nhiều các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt đối với các hệ thống ngầm dưới lòng đất, chúng tôi không hiểu về điều kiện đất, không biết phải giải quyết thế nào nên gặp rất nhiều vấn đề kĩ thuật lớn.
Các kĩ sư trẻ của chúng tôi phải đi học, tham gia đào tạo và tôi nghĩ điều này sẽ giúp ích rất nhiều. Vì nếu chúng ta không học, chúng ta sẽ mãi mãi phải phụ thuộc vào người khác.
PV: Xin cảm ơn bà!
Xem thêm:
Thu Thiem Zeit River Tung Giỏ Hàng Cuối Cùng Của Bộ Sưu Tập “Dấu Ấn Đương Đại” Giới Hạn
Tiến Độ Các Dự Án Của Novaland Hiện Ra Sao Trong Khi Chờ Gỡ Vướng?
Bắc Giang – Vùng Đất Tiềm Năng Cho Nhà Đầu Tư Xuống Tiền Đón Đầu Chu Kỳ Sốt Đất 2024