Top hoạt động truyền thống ngày Tết nguyên Đán 2025

  • sotay_admin

Tết Nguyên Đán, hay còn gọi là Tết cổ truyền, là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới âm lịch. Đây không chỉ là thời điểm để đoàn tụ gia đình, mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng trong việc tưởng nhớ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Tết Nguyên Đán 2025 còn là dịp để mọi người gắn kết, chia sẻ và duy trì các hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc 

Cúng ông Công, ông Táo

Theo truyền thống của người Việt Nam ta, cứ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng. Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời, đặc biệt trong nghi lễ này không thể thiếu mũ, áo mã bằng giấy và một hoặc ba con cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời.

Bởi vậy việc cúng ông Công ông Táo trong ngày Tết cũng chính là hình ảnh biểu tượng cho sự êm ấm, hạnh phúc của một gia đình, mong muốn sang năm mới sẽ ngày càng hòa thuận, hạnh phúc hơn.

Đi thăm mộ tổ tiên

Bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp hàng năm, con cháu trong gia đình đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên, họ thường mang hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu. Đây là một phong tục phổ biến của tất cả người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, cũng chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt, hàng năm cứ vào ngày Tết khoảng từ ngày 27, 28, 29 Tết mọi gia đình lại ngồi quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng bánh tét.

Ở miền Nam thì có bánh tét, bánh có hình trụ, miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông, tuy hình dáng có khác nhau nhưng nguyên liệu thì hoàn toàn giống nhau, lúa gạo là nguyên liệu chính của bánh, bánh tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt.

Truyền thống này có từ thời vua Hùng và cho đến nay là điều không thể thay đổi được trong nét đẹp văn hóa những ngày Tết, gia đình nào cũng phải gói cho mình vài chục chiếc bánh để thờ cúng tổ tiên, tặng bạn bè, người thân hay ăn vào dịp Tết.

Bao sái ban thờ

Bao sái ban thờ là một hoạt động truyền thống thường được thực hiện vào dịp cuối năm trước Tết Nguyên Đán, mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa sâu sắc trong đời sống người Việt. Đây là quá trình lau dọn, làm sạch bàn thờ tổ tiên, thần linh để chuẩn bị đón năm mới với sự trang nghiêm và tôn kính.  

Tôn kính tổ tiên và thần linh: Là cách bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đối với ông bà, tổ tiên, và các vị thần linh.
Mang lại may mắn: Lau dọn ban thờ giúp không gian thờ tự sạch sẽ, thu hút tài lộc, bình an cho gia đình trong năm mới.
Kết nối truyền thống gia đình: Đây cũng là dịp để cả nhà cùng chung tay, nhắc nhở nhau về giá trị truyền thống.

Bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là thứ đồ không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết của người Việt, tùy vào từng vùng miền mà có những loại quả khác nhau với những nét đặc trưng khác nhau, nhưng trên bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng phải đầy đủ ngũ quả với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý, mong sao một năm mới sẽ đầy đủ, sung túc hơn.

Chợ Tết truyền thống

Là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nơi không chỉ mua sắm mà còn lưu giữ những giá trị tinh thần, phong tục tập quán gắn liền với ngày Tết. Ngày cuối cùng của năm đi sắm sửa Tết đông vui nhộn nhịp trước khi bước sang năm mới rộn ràng háo hức.

hoạt động truyền thống Tết nguyên đán 2025
Hoạt động truyền thống Tết nguyên đán 2025

Giao thừa đi chùa cầu bình an

Tùy mỗi địa phương nam thanh nữ tú, con cái, vợ chồng, bố mẹ cùng nhau đến nơi cửa Phật trước lúc giao thừa thành tâm xin cầu một năm mới bình an, hạnh phúc, tài lộc. Không gian chùa yên bình giúp mọi người tĩnh tâm, buông bỏ những muộn phiền của năm cũ để bắt đầu năm mới tích cực. 

Gồm những hoạt động: thắp hương và cầu nguyện, xin lộc chùa, dâng lễ, nghe giảng kinh…

Làm lễ cúng tổ tiên

Theo phong tục của người Việt Nam, trong mỗi gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên, ông bà, tùy vào từng gia đình mà có cách trang trí và sắp đặt khác nhau. Cứ đến cuối năm, mỗi gia đình đều lau dọn bàn thờ để chuẩn bị đón Tết, sau đó đến chiều 30 tháng Chạp, thức ăn và trái cây được xếp lên bàn thờ dâng lên ông bà tổ tiên để mong ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng với gia đình.

Đây cũng chính là việc làm thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống của người Việt, nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn đạo lý của gia đình, lối sống uống nước nhớ nguồn, không được quên nguồn gốc tổ tiên.

Xông đất đầu năm

Thời khắc giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất, đó phải là những người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn một năm mới mọi điều đều thuận lợi, tốt đẹp.

Xuất hành

Vào ngày mùng 1 tháng Giêng, mọi người thường chọn hướng, chọn giờ và các phương tiện để ra khỏi nhà với mong muốn khi bước sang một năm mới tất cả đều thuận lợi, cả năm gặp điều tốt lành, không gặp điều xấu, điều không tốt.

Chúc Tết và lì xì đầu năm

Nét văn hóa này có từ thời xa xưa, chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết, vào ngày mùng 1 tháng Giêng đầu năm mọi người trong gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết bên nhà nội ngoại, mang theo bánh trưng, quà…. chúc mừng gia chủ
Con cháu thì chúc thọ ông bà và người lớn tuổi sang năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn, bình an sau đó được người lớn chúc lại kèm theo một phong bao lì xì nhỏ màu đỏ, có hình chữ nhật, bên trong đựng những đồng tiền mới với ý nghĩa chúc cho con cháu nhận được sẽ ngày càng được đạt được nhiều may mắn, thành công.
Tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà nó ở ý nghĩa và nét văn hóa ấy, nó tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận.
Đi lễ chùa đầu năm
Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đầu năm mọi người thường đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, hạnh phúc, đồng thời đó còn là việc làm để tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với Đức Phật, tổ tiên.
Đi lễ chùa đầu năm còn là việc khiến bản thân mình trở nên thanh tịnh hơn, gột rửa những điều cũ, bắt đầu cho một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.

Tết Nguyên đán 2025 được nghỉ bao nhiêu ngày?

Lịch nghỉ Tết nguyên đán rất quan trọng để sắp xếp kế hoạch cho những ngày hoạt động nghỉ Tết được vẹn tròn. 

Tết Nguyên đán năm 2025, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được nghỉ từ thứ Bảy, ngày 25.1 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật, ngày 2.2 (tức hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Những hoạt động trên không thể thiếu ở mỗi gia đình Việt nam những ngày Tết 2025 nối dõi truyền thống uống nước nhớ nguồn của mỗi người con đất Việt. 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *