Nhà Ở Xã Hội Đang Diễn Biến Tích Cực
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong suốt thời gian qua đã mang đến sự tăng trưởng tích cực của phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn gặp những thách thức trong phát triển phân khúc này.
Nhà Ở Xã Hội: Những Con Số Tăng Trưởng Tích Cực
Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2024 của Bộ Xây dựng đưa ra những con số ấn tượng của nhà ở xã hội trong quý vừa qua. Theo đó, trong quý 3/2024, theo báo cáo của các địa phương về kết quả thực hiện Đề án một triệu căn nhà ở xã hội thì trên địa bàn cả nước có 8 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn.
Một số dự án làm lễ động thổ như: dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành – TPHCM với quy mô gần 1.500 căn; dự án nhà ở an sinh xã hội – khu 6 Vietsing – Bình Dương của Tổng Công ty đầu tư và phát triển Công nghiệp – CTCP với 1.867 căn; Dự án nhà ở xã hội KT Home (Nghệ An) của Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Thi với 523 căn chung cư, 23 căn liền kề.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương thì giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý 3/2024, trên địa bàn cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án với quy mô 42.414 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 131 dự án với quy mô 111.687 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm 4 Ngân hàng khối tư nhân là Tiên Phong (TPbank), VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng Thông tin điện tử.
Về kết quả giải ngân đến nay có tổng dư nợ là 1.783 tỷ đồng. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp thì các dự án đủ điều kiện vay là 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.633 tỷ đồng; 68 dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng; trong đó, 57 dự án Chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 06 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay. Đối với người mua nhà thì hiện nay nguồn vốn 120.000 tỷ đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án nhà ở xã hội.
Vẫn Còn Nhiều Thách Thức Với Doanh Nghiệp Phát Triển Nhà Ở Xã Hội
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành – một đơn vị chuyên phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM cho biết các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đầu tư, phát triển dự án như tự bỏ vốn đầu tư, các khó khăn đến từ quá trình thanh kiểm tra, phê duyệt dự án, nhất là các khâu về thủ tục hành chính.
Chính bởi vậy, ông Thành kiến nghị cần rút ngắn thời gian chờ đợi các thủ tục pháp lý đối với nhà ở xã hội để quá trình triển khai nhanh hơn.Quá trình rút ngắn, tạo hành lang thông thoáng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian để tập trung vào sản xuất, ứng dụng công nghệ khoa học để nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đưa sản phẩm giá tốt đến tay người tiêu dùng.
Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cũng kiến nghị cần ban hành tiêu chuẩn riêng cho nhà ở xã hội. Sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhà ở xã hội đ vào đời sống. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dự án một cách minh bạch và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế hỗ trợ tài chính cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Nếu không có các gói ưu đãi đặc biệt về lãi suất và vốn vay, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn. Một khi bài toán nhà ở xã hội được giải bài toán an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Xem thêm: