Giao Dịch BĐS 6 Tháng Đầu Năm Tăng 10% So Với Nửa Cuối 2023

  • Phạm Nam
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm, giao dịch bất động sản (BĐS) có khoảng hơn 253.000 sản phẩm bán thành công, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.
Giao dịch BĐS tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024. 
Giao dịch BĐS tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024.
Về giá bán, đối với giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội.
Ngoài ra, ở các phân khúc nhà ở riêng lẻ và đất nền giá giao dịch BĐS cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do giá bán căn hộ chung cư tăng cao và nguồn hàng khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng tăng mạnh. Điểm nổi bật trên thị trường BĐS thời gian qua có thể thấy, dù giá tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng giao dịch BĐS thành công vẫn tăng cao.
Theo dữ liệu trực tuyến, tính đến tháng 6/2024, giá rao bán trung bình của BĐS tăng 24% so với đầu năm 2023. Sôi động nhất trên thị trường BĐS trong 6 tháng đầu năm là chung cư Hà Nội. Nhu cầu tìm mua chung cư ở Thủ đô đạt đỉnh vào tháng 3/2024, tăng gần 60% so với cuối 2023. Chung cư hiện vẫn là loại hình có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy 6 tháng đầu năm, thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận nguồn cung tăng gần gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2.356 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 45% – 50%, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ. Một số dự án đã công bố và thu hút người mua thời gian qua như Eaton Park (TP HCM) của chủ đầu tư Gamuda Land, dự án A&T Sky Garden (Bình Dương) của chủ đầu tư A&T Bình Dương hay Flora Panorama (Bình Chánh) của chủ đầu tư Nam Long Group.
Dù vậy hầu hết các giao dịch BĐS thành công đến từ những dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý và được triển khai bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường.

Thị Trường Đang Ấm Lên Từng Ngày

Theo các chuyên gia, việc mở bán thành công của một số dự án trong 6 tháng qua cho thấy niềm tin của thị trường đang dần hồi phục. Các chủ đầu tư đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn như khách hàng chỉ trả trước 5% giá trị căn hộ và nhận bàn giao, được hỗ trợ lãi suất cố định trong 15 năm hay chiết khấu lên tới 20%… nhờ vậy sức cầu thị trường cải thiện đáng kể, lượng tiêu thụ tăng mạnh so với quý trước.
Dự báo về tình hình hình thị trường BĐS thời gian tới, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết thị trường BĐS vẫn đang duy trì, chờ đợi những nút thắt được tháo gỡ để thực sự “khỏe” trở lại.
Trợ lực của thị trường trong thời gian tới là việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, sớm hơn 5 tháng so với quyết định trước đó. Khi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bắt đầu rục rịch khởi động. Các CĐT tự tin hơn với việc ra hàng; nhà đầu tư có niềm tin giao dịch BĐS trở lại; môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới thay đổi, đáp ứng các quy định mới;… ​
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, việc đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực chính thức của ba bộ Luật trên 5 tháng so với quy định sẽ góp phần tích cực, giúp nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện Đề án nhà ở xã hội. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Viện trưởng DXS-FERI, đánh giá thị trường BĐS đang có nhiều dấu hiệu tích cực và đang trên đà phục hồi. Ông dự báo thị trường dần đi lên từ đáy “chữ U”, thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc các yếu tố vĩ mô và vi mô, trong đó quan trọng nhất vẫn là niềm tin thị trường.
Theo chuyên gia này, năm 2024 là năm bản lề để thị trường tích lũy, chuẩn bị cho chu kỳ phát triển mới. Qua mỗi chu kỳ kinh tế đều có hiện tượng “sóng sau đè sóng trước”, tức là sẽ có một loạt thương hiệu cũ sa sút hoặc rời bỏ thị trường và sẽ có một loạt thương hiệu BĐS mới nổi lên, tạo lập vị thế trong chu kỳ phát triển mới. Thời điểm này, ai còn nguồn lực tốt, người đó sẽ vượt lên và bứt phá mạnh mẽ.
Sau quá trình thanh lọc kéo dài 4 năm qua, đến nay chỉ còn lại khoảng 20% doanh nghiệp trụ lại, hầu hết đều là những gương mặt tên tuổi và có tiềm lực để tạo nên sự thay đổi thật sự cho toàn ngành trong chu kỳ mới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *