Đất Đấu Giá Hà Nội Tiếp Tục Nổi Sóng
Sau các phiên đấu giá đất với mức giá trúng “trên trời” gây xôn xao dư luận diễn ra vào tháng 8/2024, nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng và giới chuyên gia đã được đưa ra. Tuy nhiên, các phiên đấu giá đất diễn ra trong tháng 10 tại Hà Nội cho thấy cơn sốt đất đấu giá vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đất Đấu Giá Hà Nội Liên Tục Nổi Sóng
Vào tháng 8, tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao gây xôn xao dư luận xã hội. 68 thửa đất nhưng thu hút tới 7.000 bộ hồ sơ và khoảng 1.600 người tham gia. Mức giá khởi điểm của các lô đất dao động từ 8,6-12,5 triệu đồng/m2 và giá trúng khi kết thúc phiên đấu giá lên tới gần 101 triệu đồng/m2 thuộc về một lô góc, các lô khác có giá trúng dao động từ 63-80 triệu đồng/m2.
Kế đó, phiên đấu giá 19 lô đất đấu giá tại khu LK03 và LK04 thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cũng khiến dư luận xôn xao. Lô đất trúng có giá cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Các lô đất khác cũng có giá trúng cao tới chục lần, dao động từ từ 97,3 đến 121,3 triệu đồng/m2.
Sau hai phiên đất đấu giá này, giới chuyên gia đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, những đợt đấu giá đất ven Hà Nội gần đây cho thấy dấu hiệu bất thường về đầu cơ, tạo sóng. Đất đấu giá tăng đột biến gần đây ở một số khu vực là không bền vững. Chính bởi vậy, Bộ Xây dựng đã yêu cầu kiểm soát giá đất tăng sau những bất thường đấu giá đất ngoại thành Hà Nội.
Trên thực tế, ngay sau các cuộc đấu giá đất cao bất thường, Nhà nước đã có động thái can thiệp kịp thời, nhiều phiên đấu giá đã được hoãn để chờ rà soát công tác đấu giá theo quy định của Luật Đất đai mới.
Tuy nhiên, bất chấp các cảnh báo của giới chuyên gia, các cơn sốt đất đấu giá chưa dừng lại ở đó. Phiên đấu giá đất gần đây diễn ra tại Hà Đông tiếp tục lặp lại kịch bản nóng sốt. Ngày 19/10, quận Hà Đông đấu giá 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội. Kết quả, lô đất đấu giá có giá trúng cao nhất đạt 262 triệu đồng/m2, cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất đạt 133 triệu đồng/m2, cao gấp 5,8 lần giá khởi điểm. Phiên đấu giá đất ngày 22/10 tại xã Vạn Điểm (Thường Tín) với mức giá khởi điểm 3,864 triệu đồng/m2 tiếp tục chứng kiến mức giá trúng cao gấp hàng chục lần. Cụ thể, lô đất đấu giá có mức trúng cao nhất là 52,864 triệu đồng/m2; giá thấp nhất 24,384 triệu đồng/m2.
Vì Sao Đất Đấu Giá Vẫn Nóng Sốt, Bất Chấp Cảnh Báo?
Diễn biến thực tế của những phiên đất đấu giá vừa qua cho thấy mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo và vào cuộc nhưng cuối cùng hiện tượng trên không chấm dứt, thậm chí, giá đất đấu giá vẫn tiếp tục tăng cao. Nhìn nhận thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho biết, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, nhưng hành động này chủ yếu nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của quá trình đấu giá, khó có thể can thiệp vào mức giá thị trường.
Thứ nhất, về mức giá khởi điểm. Mức giá khởi điểm của đất đấu giá vẫn ở mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức giá thị trường được xác định hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành, được tính bằng hệ số K nhân với bảng giá đất của thành phố. UBND địa phương vẫn đang căn cứ vào bảng giá đất cũ từ năm 2020, có hiệu lực tới 31/12/2025. Mức giá khởi điểm sẽ chỉ thay đổi khi Hà Nội ban hành bảng giá đất mới.
Thứ hai, giá đất đấu giá tại các phiên đấu giá tiếp tục tăng cao bởi nhu cầu về bất động sản, nhất là các sản phẩm đảm bảo về pháp lý, có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng, như đất đấu giá, rất lớn. Thực tế, tại các khu vực như Hoài Đức hay Hà Đông, tiềm năng phát triển đô thị cùng với sự phát triển hạ tầng tạo ra kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các sản phẩm có số lượng không nhiều này, dù mức giá ấy có thể vượt xa giá trị thực tế của lô đất. Ngoài ra, với kỳ vọng rằng đất đai sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai, những người mua có thể chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với định giá thông thường.
Cũng theo cũng ông Đính, mức giá tăng cao còn là do thị trường bất động sản Hà Nội đang tăng trưởng “nóng” với nguồn cung vẫn hạn chế, mức giá sơ cấp liên tục thiết lập mặt bằng mới ở ngưỡng cao cùng với kỳ vọng về việc mở rộng thành phố và hạ tầng giao thông.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến mức giá đấu trúng tăng cao là do các hành vi trả giá cao hơn rồi bỏ tiền đặt cọc, không nộp tiền trúng đấu giá, thậm chí sẵn sàng bất chấp rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá để hợp thức hóa mức giá trúng với mục đích “thổi giá”, tạo mặt bằng giá “ảo” để làm căn cứ để đẩy mức giá của các lô đất có liên quan nhằm trục lợi.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, nhưng hành động này chủ yếu nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của quá trình đấu giá, khó có thể can thiệp vào mức giá thị trường. Bởi trong nền kinh tế thị trường, các bên tham gia giao dịch mua bán theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh. Và việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi. Việc quy chụp các hành vi này là đầu cơ, thổi giá hiện nay cũng đều xuất phát từ cảm tính, Việt Nam chưa có văn bản luật nào xác định hành vi này để làm căn cứ xử lý.
Hơn thế nữa, theo quy định hiện hành, cá nhân trúng đấu giá nhưng không nộp đủ tiền trong 120 ngày bị phạt “khá nhẹ”, chỉ bị hủy kết quả và mất tiền cọc – rất thấp do giá khởi điểm thấp. Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã siết quy định với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng phải đến 1/1/2025, các quy định này mới có hiệu lực.
Xem thêm:
Gem Park: Làn Gió Mới Trong Dịch Vụ Kinh Doanh Bất Động Sản
Căn Hộ Nhật Bản Đa Phong Cách TT AVIO – Lối Sống Đẳng Cấp, Hiện Đại
Tiếp Nối Hành Trình “Sống Phong Cách Masteri” Ở Phía Bắc Hà Nội