Bộ Xây Dựng: Tăng Cường Kiểm Soát Đầu Cơ, Thổi Giá Đất

  • Phạm Nam

Trước tình trạng một số nhà đầu tư, môi giới tung tin đồn thất thiệt, thổi giá đất, giá căn hộ, đất đấu giá, Bộ Xây dựng vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường quản lý và kiểm soát tình hình giá cả trên thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 5155 gửi tới các địa phương, trong đó đánh giá, thời gian qua, thị trường bất động sản phát triển thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Một số tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vẫn vi phạm các quy định pháp luật tại một số địa phương.

Một Số Môi Giới, Nhà Đầu Tư Tung Tin Đồn Thất Thiệt, Thổi Giá Đất

Đáng chú ý, gần đây xuất hiện một số nhà đầu tư, môi giới tung tin đồn thổi, mua đi bán lại “gây nhiễu loạn thông tin để đẩy giá nhà đất lên cao nhằm trục lợi”. Đặc biệt, thời điểm đầu tháng 8 vừa qua, xuất hiện những phiên đấu giá đất có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thanh khoản kém. Theo Bộ Xây dựng, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội cũng như sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Đất đấu giá tại huyện Hoài Đức

Đất đấu giá tại huyện Hoài Đức.
Bộ Xây dựng cũng dẫn thông tin cho biết, tại Hà Nội, một số dự án căn hộ chung cư hoặc nhà riêng lẻ trên địa bàn các quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức… tăng cao “bất thường” so với thực tế thị trường và nhu cầu của người mua ở thực. Theo báo cáo quý 2/2024 của Bộ Xây dựng, giá chung cư đã tăng khoảng 5-6,5% so với 3 tháng đầu năm 2024. Những dự án cũ, đã vận hành nhiều năm thậm chí ghi nhận mức tăng giá 28-33%. Ngay cả một số khu tái định cư cũng có mức tăng giá lên tới 20% theo năm. Thị trường Hà Nội thời gian qua ghi nhận các dự án căn hộ mở bán mới có giá từ 55 triệu đồng/m2 trở lên.
Tình trạng “leo thang” của giá căn hộ chung cư, theo Bộ Xây dựng sẽ “chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn” và đã có xu hướng chững lại vào cuối quý 2. Bộ dẫn chứng cho biết, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý 2 đã sụt giảm khoảng 30% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do nền giá được đẩy lên cao và người mua chuyển sang chờ đợi thay vì xuống tiền mua.

Yêu Cầu Kiểm Soát Tình Trạng Trao Tay Bất Động Sản Nhiều Lần

Trong văn bản gửi các địa phương, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm chỉ thị số 82 ban hành ngày 21/8 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với nghị quyết số 33 năm 2023 về các giải pháp thúc đẩy sự phát triển ổn định, an toàn và bền vững của thị trường bất động sản. Cụ thể:

  • Kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư, sàn giao dịch và các nhà môi giới tại địa phương.
  • Kiểm soát việc mua bán, chuyển nhượng, sang tay bất động sản nhiều lần, đặc biệt tại các dự án và khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường, cần được giám sát chặt chẽ.
  • Các hành vi đẩy giá, thổi giá và đầu cơ cần được kiểm tra và xử lý theo pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và các quy định liên quan.
  • Cần tiến hành kiểm tra và đánh giá tình hình biến động giá bất động sản tại từng địa phương, để có những biện pháp điều tiết phù hợp nhằm duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường.
  • Rà soát hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo tính minh bạch và kịp thời xử lý các vi phạm, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đấu giá để thao túng thị trường.
  • Giám sát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở tại các dự án phân lô bán nền, tránh tình trạng để đất trống hoặc đầu cơ nhằm đẩy giá lên cao.
  • Công khai thông tin về thị trường bất động sản, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở, sử dụng đất và hạ tầng tại địa phương. Việc này sẽ đảm bảo thông tin minh bạch và ngăn chặn các hành vi gian lận trong kinh doanh bất động sản.

Giá chung cư tăng mạnh có một phần do nhà đầu tư

Giá chung cư tăng mạnh có một phần do nhà đầu tư, môi giới tung tin đồn thổi gây nhiễu loạn thị trường.  
Bộ Xây dựng cũng lưu ý, việc kiểm soát giá bất động sản tại các địa phương cần được thực hiện nhằm phù hợp với điều kiện cụ thể từng nơi, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bất động sản, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Ngoài ra, thông tin về các dự án bất động sản đã được phê duyệt, cùng với danh sách các chủ đầu tư đủ điều kiện huy động vốn, cũng cần được công khai để ngăn chặn các hiện tượng gian lận và lừa đảo.
Văn bản chỉ đạo trên của Bộ Xây dựng được đưa ra khi thời gian gần đây, huyện vùng ven Hà Nội liên tiếp có các phiên đấu giá đất thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký với giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2, gây xôn xao thị trường. Chẳng hạn, tại phiên đấu giá đất xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có những lô trúng đấu giá cao gấp khoảng 10 lần giá khởi điểm, lên tới 100 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, giá chung cư tại Hà Nội cũng không ngừng tăng và neo cao, vượt qua khả năng chi trả của phần lớn người dân lao động tại đô thị. Công điện ngày 21/8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Được biết, từ 1/8, Nghị định 96 chính thức có hiệu lực, trong đó bổ sung các biện pháp điều tiết thị trường. Cụ thể, trường hợp giá bất động sản tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng thì các bộ ngành cùng địa phương sẽ đề xuất giải pháp điều tiết thị trường cho phù hợp. Với biện pháp này, theo một số chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản biến động giá chủ yếu do cung – cầu nên không thể thay đổi giá giao dịch bằng cách dùng mệnh lệnh can thiệp.

Xem thêm:

Bất Động Sản Thổ Cư Hà Nội Đang Tăng Tốc Mạnh Mẽ

Hiyori Aqua Tower: Căn Hộ Nhật Bản Được Khởi Công Tại Đà Nẵng

Điều Gì Giúp Nha Trang “Cạnh Tranh Sòng Phẳng” Với Phuket Và Bali Trở Thành Thiên Đường Nghỉ Dưỡng Được Yêu Thích Nhất Châu Á?

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *